Quy chế tổ chức Đại hội đồng cổ đông
Quy chế tổ chức Đại hội đồng cổ đông
 QUY CHẾ TỔ CHỨC ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN XÂY DỰNG 1 HÀ NỘI

 

 

Phần I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.Phạm vi áp dụng

Quy chế này áp dụng cho việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2017 Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng 1 Hà Nội

Điều 2.Quy chế này quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các cổ đông tham dự đại hội, điều kiện, thể thức tiến hành đại hội

Điều 3.Cổ đông/ đại diện cổ đông tham gia có trách nhiệm thực hiện theo các quy định theo quy chế này.

 

Phần II. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ KHI THAM DỰ ĐẠI HỘI

Điều 4.Quyền và nghĩa vụ của các cổ đông đại diện cổ đông được ủy quyền tham gia dự đại hội

      Cổ đông phổ thông có quyền tham dự, thảo luận và biểu quyết tất cả các vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội đông cổ đông, mỗi cổ phần phổ thông tương ứng với một phiếu biểu quyết.

      Trường hợp cổ đông vì lý do riêng không đến dự đại hội đồng cổ đông được, nếu có nhu cầu ủy quyền thì có thể ủy quyền bằng giấy ủy quyền (theo mẫu quy định) cho một người khác thay mặt mình tham dự và biểu quyết Đại hội

      Ban Tổ chức Đại hội đồng cổ đông công ty sẽ thông báo công khai chương trình Đại hội, báo cáo của HĐQT, Ban Kiểm soát; các báo cáo tài chính; kế hoạch kinh doanh; vấn đề bầu HĐQT và BKS; các nội dung khác… Những ý kiến của các cổ đông hoặc thông qua đại diện ủy quyền tại Đại hội sẽ được thảo luận công khai và biểu quyết.

      Cổ đông đến dự Đại hội sau khi cuộc họp khai mạc phải thực hiện các thủ tục đăng ký tham dự Đại hội với Ban Tổ chức và sau đó có quyền tham gia và biểu quyết ngay sau khi đăng ký, nhưng Chủ tọa không có trách nhiệm dừng Đại hội để cho cổ đông đăng ký và hiệu lực của các đợt biểu quyết đó tiến hành sẽ không bị ảnh hưởng.

      Nghiêm túc chấp hành nội quy tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, tôn trọng kết quả làm việc của Đại hội và sự điều hành của Đoàn Chủ tịch Đại hội.

 

Điều 5.Quyền và nghĩa vụ của Ban Tổ chức Đại hội, Ban Kiểm tra tư cách cổ đông  dự Đại hội, Ban Thư ký, Ban Kiểm phiếu

      Ban Tổ chức Đại hội do HĐQT công ty quyết định. Ban Tổ chức Đại hội có trách nhiệm triệu tập, đón tiếp, bố trí chỗ ngồi, chuẩn bị tài liệu, phiếu biểu quyết và phiếu bầu cử cho những cổ đông/đại diện cổ đông được ủy quyền có đủ tư cách tham dự Đại hội.

      Ban Kiểm tra tư cách cổ đông tham dự Đại hội (sau đây gọi là Ban Kiểm tra tư cách cổ đông) do Ban Tổ chức Đại hội chỉ định. Ban Kiểm tra tư cách cổ đông tiếp nhận giấy tờ do những người đến tham dự Đại hội xuất trình, kiểm tra và báo cáo trước Đại hội về kết quả kiểm tra tư cách các cổ đông dự Đại hội. Trường hợp người đến dự họp không có đầy đủ tư cách tham dự Đại hội, Ban Kiểm tra tư cách cổ đông có quyền kiến nghị việc từ chối cấp phiếu biểu quyết và phát tài liệu của Đại hội.

      Ban Kiểm phiếu do Đại hội biểu quyết thông qua; thành viên Ban Kiểm phiếu là cổ đông nhưng không phải là người có tên trong danh sách đề cử hay ứng cử vào Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát.

      Ban Kiểm phiếu có nhiệm vụ xác định tỷ lệ số cổ phần biểu quyết đồng ý/ không đồng ý/ có ý kiến khác đối với từng vấn đề thảo luận tại Đại hội.

Ban Kiểm phiếu có nhiệm vụ phát phiếu bầu cử cho các cổ đông; kiểm tra, giám sát việc bỏ phiếu bầu thành viên HĐQT của các cổ đông; tổ chức kiểm phiếu (theo Quy chế bầu cử); lập Biên bản kiểm phiếu và công bố trước Đại hội; giao lại Biên bản và toàn bộ phiếu bầu cử đã được niêm phong cho Ban Tổ chức Đại hội.

Mọi công việc kiểm tra, lập biên bản và công bố kết quả kiểm phiếu, phải được Ban Kiểm phiếu tiến hành một cách trung thực, chính xác và phải chịu trách nhiệm về kết quả đó.

 

Điều 6.Quyền và nghĩa vụ của Chủ tọa và Ban Thư ký Đại hội

      Chủ tọa Đại hội là Chủ tịch HĐQT, Ban Thư ký Đại hội do Chủ tọa Đại hội đề cử và được Đại hội biểu quyết thông qua.

      Quyết định của Chủ tọa Đại hội về vấn đề trình tự, thủ tục hoặc các sự kiện phát sinh ngoài chương trình của Đại hội sẽ mang tính phán quyết.

      Chủ tọa Đại hội tiến hành các công việc cần thiết để điều khiển Đại hội một cách hợp lệ, có trật tự và đảm bảo Đại hội phản ánh được mong muốn của đa số cổ đông tham dự.

      Chủ tọa Đại hội có quyền trì hoãn Đại hội đến một thời điểm khác và tại một địa điểm khác nếu nhận thấy rằng:

       Hành vi của những người có mặt cản trở hoặc có khả năng cản trở diễn biến có trật tự của cuộc họp

       Sự trì hoãn là cần thiết để các công việc của Đại hội được tiến hành một cách hợp lệ.

      Ban Thư ký Đại hội thực hiện các công việc trợ giúp theo phân công của Chủ tọa, phản ánh trung thực, chính xác nội dung Đại hội trong Biên bản và Nghị quyết Đại hội

 

Phần III: TIẾN HÀNH ĐẠI HỘI

Điều 7.Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết

 

Điều 8.Cách thức tiến hành Đại hội

      Đại hội được tiến hành theo nội dung chương trình Đại hội và thảo luận biểu quyết thông qua các vấn đề trong chương trình đó

      Việc biểu quyết thông qua từng nội dung trong Đại hội được thực hiện theo thể lệ biểu quyết. Điều kiện để nghị quyết được thông qua căn cứ Điều 144 của Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13.

      Việc ứng cử và đề cử để bầu thành viên HĐQT, BKS được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty

 

Điều 9.Nguyên tắc phát biểu tại Đại hội

1.       Cổ đông muốn đề xuất một yêu cầu nào đó tại Đại hội đồng cổ đông phải thực hiện theo nguyên tắc sau:

        Chỉ được tham gia đóng góp ý kiến trong phần Thảo luận của Đại hội.

        Phải giơ tay xin ý kiến của Chủ tọa và chỉ được phát biểu sau khi được Chủ tọa cho phép. Trong cùng một thời điểm chỉ có một cổ đông được quyền phát biểu.

        Trường hợp nhiều cổ đông có ý kiến cùng lúc thì Chủ tọa sẽ mời tuần tự từng cổ đông lên trình bày ý kiến của mình.

        Các ý kiến đóng góp hoặc chất vấn sẽ được tập hợp và được giải đáp tuần tự.

        Trường hợp có những ý kiến khác nhau thì có thể tiến hành biểu quyết theo đa số

2.       Các đề xuất của cổ đông phải đảm bảo các điều kiện sau:

        Ngắn gọn và rõ ràng. Trường hợp ý kiến đề xuất phức tạp, cần nhiều thời gian để trình bày thì cổ đông có thể gửi bằng văn bản đến Ban tổ chức 03 ngày trước kỳ diễn ra Đại hội.

        Không trình bày lại những vấn đề đã được đề cập trước.

        Không đề xuất những vấn đề thuộc quyền hạn Hội đồng quản trị.

        Nội dung đề xuất không được vi phạm pháp luật, liên quan đến vấn đề cá nhân hoặc vượt quá quyền hạn doanh nghiệp.

 

Điều 10.Nghị quyết và Biên bản cuộc họp Đại hội đồng cổ đông

       Tất cả các nội dung tại cuộc họp Đại hội cổ đông phải được Thư ký Đại hội ghi vào biên bản của Đại hội. Biên bản và Nghị quyết của Đại hội được đọc và thông qua trước khi bế mạc cuộc họp và được lưu giữ tại công ty.

 

Phần IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

       Quy chế gồm IV phần và 10 điều, được Ban Tổ chức Đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng 1 Hà Nội thông qua ngày 19 tháng 08 năm 2017 và có hiệu lực để tiến hành tổ chức Đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng 1 Hà Nội.

 
...........................................................................................................................................................................................................................................
Tin liên quan:
» Mẫu sơ yếu lý lịch
» Mẫu biên bản họp nhóm cổ đông
» Mẫu ứng cử thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát
» Mẫu đề cử thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát
» Tờ trình về việc sửa đổi bổ sung điều lệ công ty